Du khách đội nắng, lội bùn, lỡ cả chuyến xe vì mải mê 'sống ảo'

Để có ảnh đẹp, nhiều du khách sẵn sàng dậy sớm, xếp hàng dưới nắng. Trong khi đó, số khác lại cho rằng việc "chạy KPI" chụp ảnh khiến họ ngao ngán khi bắt đầu chuyến đi mới.

Để check-in với cây cô đơn trên đảo Phú Quý (Bình Thuận), Thanh Nhật (sống tại TP.HCM) phải xếp hàng hơn 45 phút dưới cái nắng gắt của tháng 5. Dù đoán được tình trạng đông đúc, cô không ngờ thời gian chờ lại lâu đến vậy.


"Cố tình đi sớm, tôi vẫn giật mình với lượng khách chụp ảnh, xe đỗ chật đường. Đứng một lúc mồ hôi nhễ nhại, tôi phải nép vào hiên nhà người dân. Canh vừa trống chỗ là tôi chạy vào chụp nhanh, về chỉnh sửa ảnh sau vì nhiều người chờ", cô nói với Tri Thức - Znews.

Cảnh xếp hàng lặp lại khi Thanh Nhật đến Dốc Phượt. Cô cho biết mình không ngại dành cả ngày để chụp ảnh, mục tiêu chính của chuyến đi là ghim vị trí các điểm "sống ảo" nổi tiếng trên đảo lên trang cá nhân.

Chấp nhận xếp hàng, lội bùn

Theo nghiên cứu về thế hệ Z và mạng xã hội của Booking, nền tảng đặt chỗ du lịch trực tuyến, hơn một nửa du khách (60%) thường đăng ảnh lên mạng xã hội khi du lịch. Đối với Gen Z và Millennials, con số này lên đến 97%.

Tính đến tháng 7, Facebook cán mốc 3 tỷ người dùng, Instagram theo sau với 2 tỷ. Trong đó, 1/4 người dùng thuộc Gen Z chụp hơn 50 tấm ảnh mỗi ngày khi du lịch, theo nền tảng dữ liệu Statista.

Với phần đông du khách trẻ, chụp ảnh khi du lịch là nhu cầu dễ hiểu. Song, mải mê "sống ảo" khiến du khách dần quên đi việc tìm hiểu văn hóa, cảnh quan.

Nhắc đến chuyến du lịch Phú Yên hồi tháng 4, Nhật Viên (sống tại TP.HCM) vẫn nhớ rõ lần check-in gian truân ở Mũi Điện (thị xã Đông Hòa). Vì điểm lưu trú cách ngọn hải đăng gần 35 km, cô và nhóm bạn phải xuất phát từ 3h để kịp mặt trời mọc.

"Đường ôm núi quanh co, không một ánh đèn, cũng không biết phía trước có gì. Chúng tôi hoang mang và sợ hãi, vừa chạy vừa lần mò, nhưng vì những tấm ảnh với bình mình đầu tiên trên đất liền nên vẫn đi", cô kể lại.

Leo thêm quãng đường 2 km xuyên rừng để lên ngọn hải đăng, nhóm của Viên lần nữa thở dốc khi thấy lượng khách check-in đông nghẹt. Để bắt được khoảnh khắc đẹp, cả nhóm đành chụp với hậu cảnh đầy người, sau đó sử dụng các phần mềm để xóa vật thể.

"May mắn là có ảnh đẹp, không lại phí công chạy xe. Một số góc chụp đẹp ở đây đã giăng dây để hạn chế ảnh hưởng cảnh quan", cô nói.

Trong khi đó, Lê Quyên (sống tại TP.HCM) phải lội bùn để "săn" ảnh với ruộng bậc thang trong chuyến du lịch Sa Pa (Lào Cai) vào năm ngoái. Trước đó, cô chi tiền sắm quần áo, mày mò những góc chụp để lên hình đẹp nhất.

Nữ du khách dành nhiều thời gian chụp ảnh với ruộng bậc thang. Ảnh: @quinniele.  

"Ngày tôi đi thời tiết không ủng hộ, mưa nhẹ nên đất ướt. Đến đầu giờ chiều, trời hửng nắng, tôi di chuyển ra ruộng bậc thang, cởi dép và lội bùn vào giữa thửa để chụp ảnh", cô cho biết.


Quyên cũng tự nhận bản thân ngày càng để mắt đến những tấm ảnh đẹp. Vì mải chụp ở ruộng bậc thang và bản làng, cô bỏ lỡ cơ hội tham quan cầu kính Rồng Mây. Lúc sực nhớ, trời cũng sập tối.


"Các điểm đến có cảnh quan quá đẹp, tôi sẽ chuyên tâm chụp ảnh, việc thăm thú để dành cuối buổi hoặc hẹn lần sau. Với tôi, đi du lịch về phải có ảnh đẹp", Quyên nói.

Ám ảnh sau chuyến đi

Ngoài việc chia sẻ trải nghiệm của bản thân trên mạng xã hội, lưu giữ kỷ niệm cùng bạn bè, việc "chạy KPI" chụp ảnh khi du lịch cũng khiến không ít du khách ngao ngán, thậm chí cạn kiệt năng lượng sau chuyến đi. Tuấn Anh (sống tại TP.HCM) là một trong số đó.

Dù có nhiều ảnh đẹp với bạn bè, nhưng Tuấn Anh vẫn có chút ngao ngán khi nhắc về chuyến đi. Ảnh: Tuấn Anh.  

Sau lễ tốt nghiệp Đại học, nhóm của Tuấn Anh có chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Anh kể: "Sắp tới, ai cũng có công việc riêng, ít tụ họp nên cả nhóm tranh thủ chụp nhiều ảnh làm kỷ niệm. Chúng tôi ra đường từ sáng, chiều về khách sạn và tối lại đi".


Tuấn Anh cho biết thêm sang ngày thứ 2, một thành viên trong nhóm đổ bệnh vì say nắng. Đến ngày cuối cùng, cả nhóm bị "cuốn" vào các góc chụp đẹp ở nông trại hoa thuộc xã Tà Nung, cách trung tâm gần 15 km, nên lỡ chuyến xe. Kết quả phải ở lại Đà Lạt thêm một ngày và tốn 1,5 triệu đồng để mua vé mới.


"Dù tốn thêm tiền, nhưng cả nhóm vẫn chưa tận hưởng được nhiều. Chuyến đi kết thúc 2 tháng, tôi vẫn chưa sẵn sàng tâm lý để đi tiếp", anh bộc bạch.

Về phía Nguyễn Thanh Phong (sống tại TP.HCM), nỗi ám ảnh về lần "chạy tour" chụp ảnh ở Phú Yên vào tháng 9/2023 vẫn chưa nguôi. Khi nhóm bạn tiếp tục rủ đi Ninh Thuận vào cuối năm nay, anh liền từ chối.

Lịch trình "sống ảo" dày đặc khiến nhiều du khách tiếc nuối vì chưa kịp ngắm cảnh, vui chơi. Ảnh: Huệ Ling.  

"Cả nhóm rất khó xếp lịch nên đặt mục tiêu chụp hết địa điểm nổi tiếng. Diện tích Phú Yên rộng, mất nhiều thời gian di chuyển khiến tôi mệt mỏi. Mỗi ngày, chúng tôi lái xe đến tê tay, tối về khách sạn lại 'cắm mặt' chỉnh ảnh đến khuya", anh thuật lại lịch trình.


Suốt chuyến đi, Thanh Phong không ít lần thở dài vì nhóm bạn luôn kè kè điện thoại, sẵn sàng tạo dáng vài tiếng tại một địa điểm đến khi có ảnh hay video ưng ý, thay vì tận hưởng vẻ đẹp của biển cả, núi non.


"Dường như việc tương tác dưới những tấm ảnh du lịch ngày càng quan trọng. Đến ngày cuối cùng của lịch trình, tôi gần như tuột hứng vì mất sức. Sau khi về nhà, tôi phải xin nghỉ thêm một ngày để ngủ bù", anh bày tỏ.

Zingnews